Yếu tố chính quyết định tới chất lượng của rượu whisky??

Sự sáng tạo, áp dụng kỹ thuật và công nghệ vào việc sản xuất rượu. Đây được xem là 3 yếu tố chính quyết định đến chất lượng của rượu whisky.

Rõ nhất chính là các nhà sản xuất whisky Nhật mà Nikka là một điển hình, thoát khỏi lối mòn, luôn sáng tạo để tạo ra các chai rượu rẻ nhưng chất lượng tốt.

Như là một giải pháp bù đắp cho việc thiếu hụt rượu malt do nhu cầu quá cao, các nhà sản xuất rượu whisky Nhật nói chung, Nikka nói riêng lựa chọn việc đẩy mạnh phát triển rượu grain như là một giải pháp thay thế và bù đắp. Tuy nhiên, khác với cách làm rượu grain truyền thống góp phần tạo nên thương hiệu Scotch của đại đa số các nhà sản xuất Scotland, người Nhật chọn cách mới sáng tạo hơn.

Chief blender Shinji Fukuyo của nhà trưng cất Chita của Suntory nói rằng “Tôi đã nhận ra rằng lý do duy nhất chúng tôi trưng cất rượu lên tới 94.8% là vì người Scotland làm như vậy. Vì vậy tôi đã yêu cầu mọi người trưng cất rượu tới các độ cao khác nhau để xem kết quả như thế nào. Các bài học thu được trong quá trình thử nghiệm đã được chúng tôi áp dụng vào việc phát triển nhãn rượu Chita”. Vì thế, hiện nay nhà Chita có 3 lò trưng cất rượu lên các độ cồn khác nhau: Nhẹ (4 cột trưng cất), trung bình (3 cột) và nặng (2 cột).

Nhà Nikka còn làm hơn thế nữa. Họ sử dụng các mashbills (Tỉ lệ pha trộn giữa ngô, lúa mỳ, lúa mạch, lúa mỳ đen, malt, v…v…) khác nhau, các loại men khác nhau, trưng cất lên độ cồn cao thấp khác nhau, không chỉ 3 cấp như Chita mà là nhiều cấp từ nhẹ cho tới trung bình, nặng, nặng hơn và siêu nặng. Sau đó chúng được ủ trong các loại thùng khác nhau như ex-borbon, ex-wine, thùng gỗ sồi Mỹ mới. Chief blender Tadashi Sakuma của Nikka nói “Chúng tôi sử dụng các loại men khác nhau, trưng cất lên độ cồn cao thấp khác nhau và ủ trong các loại thùng khác nhau để tạo ra sự cân đối hài hòa. Tôi nghĩ rượu grain của chúng tôi có đặc tính khác với các loại rượu grain khác, đặc biệt là rượu grain của Scotland. Điều này tạo nên sự khác biệt của chúng tôi với phần còn lại của thế giới”. Và kết quả là, các loại rượu grain hay rượu blended của Nikka dù không (ghi) tuổi, giá không đắt nhưng có chất lượng được thế giới đánh giá rất cao.

Cá nhân em đã uống qua các dòng Nikka pha chế từ grain như Nikka 12, Nikka Coffey Grain và Nikka From The Barrel. Trong số đó em đặc biệt thích và đánh giá cao chai Nikka FTB, loại rượu pha trộn từ hơn 100 loại khác nhau, đóng chai 500ml, giá tại Nhật khoảng $20. Tuy pha chế chủ yếu từ grain nhưng nếu thử mù, ta cứ tưởng như đang uống rượu malt. Tuy không tuổi nhưng nó như là một thứ rượu đã trưởng thành với hương, vị và hậu vị của nó rất dày, sâu và thú vị. Tuy độ cồn 51.4% nhưng uống rất êm và mượt, khiến ta nghĩ nó chỉ bốn mươi mấy độ mà thôi. Nói chung nó khiến rất nhiều chai Scotch blended whisky 18/21, đắt hơn nó rất nhiều, úp mặt vào tường vì…xấu hổ. Riêng cá nhân em thích uống chai này và các chai khác của nhà Nikka như Nikka 12, Coffey Malt/Grain, Yoichi, Miyagikyo hơn cả chai Hibiki Harmony của nhà Suntory.

Notes: Bài sử dụng một số tư liệu từ 2 bài báo của Dave Broom trên tạp chí scotchwhisky.com
(Bài viết: Mr Binh Thai Nguyen)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *