Bên cạnh dòng sản phẩm Hibiki đang được người dùng ưu tiên lựa chọn khi dùng whisky Nhật, hôm nay team danhgiaruou.com sẽ gửi đến các bạn bài chia sẻ về 2 dòng sản phẩm khác của nhà Suntory đó là Yamazaki và Hakushu.
Hai mẫu thử sử dụng trong bài đánh giá bên dưới là mẫu không tuổi (NAS=No Age Statement)
Về cơ bản, 2 chai Yamazaki NAS và Hakushu NAS có chung nền tảng hương vị pha trộn từ các rượu ủ thùng ex-sherry, ex-bourbon và ex-plum. Nếu như hai loại thùng đầu là chắc chắn thì loại thùng sau cùng chỉ là phỏng đoán dựa trên hương vị của nó. Tuy nhiên, cái tạo nên sự khác biệt, khiến hương vị 2 chai biến đổi và tiến hóa theo 2 hướng khác nhau chính là chất khói của Hakushu.
Nếu so với các chai từ 1960s – 1970s, có thể nói chai Yamazaki NAS, dù kém hơn, nhưng vẫn mang được DNA đặc trưng của nhà Yamazaki. Còn ở chai Hakushu NAS, dù hương vị khói không quá nặng nhưng rất rõ ràng và thanh. Chất khói giúp nền tảng hương vị của nó biến hóa và trở nên dày, tươi mát và phức hợp hơn. Tỉ lệ pha trộn rượu ủ thùng ex-sherry ở chai Yamazaki có lẽ là cao hơn chai Hakushu.
Giá bán lẻ đề nghị của hai chai này nói riêng, của tất cả các phiên bản 12/18/25 của 2 nhãn Yamazaki và Hakushu là như nhau. Tuy nhiên, Yamazaki nổi tiếng hơn nên giá của nó, không riêng gì ở VN mà còn trên toàn thế giới nhìn chung là cao hơn Hakushu. Hơi ngạc nhiên là dân uống whisky VN nhìn chung là thích rượu khói, đặc biệt là khói nhẹ nhưng Hakushu lại không được chuộng lắm.
Dù là NAS, cả hai chai đều khá trưởng thành, dày, phức hợp, cân bằng và ngon. Riêng về độ dày, có thể nói đó là đặc trưng của rượu Suntory, dù là các chai NAS nhưng cảm giác uống vẫn thấy đầy miệng, hơn hẳn một số chai Scotch cao cấp như chai Chivas 25 chẳng hạn. Nếu phải chọn chai nào mà em thích hơn trong 2 chai thì đó có lẽ là Hakushu.
(Bài viết: Mr Binh Thai Nguyen)